Quan hệ trước Thế chiến II Quan_hệ_Hoa_Kỳ_–_Liên_Xô

1917–1932

Quân Mỹ tại Vladivostok sau khi Đồng minh can thiệp vào cuộc Nội chiến Nga, tháng 8 năm 1918

Năm 1921, sau khi phe Bolshevik nắm quyền kiểm soát nước Nga, giành chiến thắng trong cuộc Nội chiến, tiêu diệt hoàng tộc, từ chối trả khoản nợ thời Sa hoàng, và kêu gọi một cuộc cách mạng giai cấp lao động trên toàn thế giới, Nga trở thành một quốc gia bị cô lập.

Thái độ thù địch của Hoa Kỳ với chính quyền Bolshevik không phải chỉ để chống lại sự nổi lên của một cuộc cách mạng chống tư sản. Mỹ, do lo sợ quân Nhật tràn vào lãnh thổ do Nga kiểm soát và sự ủng hộ của họ với lực lượng quân Tiệp Khắc theo phe Đồng Minh, cử một lượng nhỏ lính tới miền Bắc Nga và Xibia. Sau khi Lenin lên nắm quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Mười, ông rút nước Nga khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất, tạo cơ hội cho Đức tổ chức lại quân để đối mặt với lực lượng Đồng minh ở Mặt trận phía Tây.[11]

Nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm cản trở chính quyền Bolshevik có ít những sự can thiệp quân sự trực tiếp hơn so với hàng loạt hình thức hỗ trợ của họ với các nhóm phản đối Bolshevik, đặc biệt là với lực lượng Bạch vệ. Hỗ trợ chủ yếu là các nhu yếu phẩm và lương thực. Tổng thống Woodrow Wilson khi đó đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và ông không muốn can thiệp quá sâu vào nước Nga do lo sợ dư luận Nga và ông tin rằng nhiều người Nga không tham gia vào Hồng Quân, với hy vọng cuộc cách mạng sẽ dần đi theo hướng dân chủ hơn. Một cuộc xâm lược quy mô lớn sẽ khiến người Nga đoàn kết hơn và tạo ra hình ảnh nước Mỹ như một quốc gia bành trướng xâm lược.

Ngoài cuộc Nội chiến Nga, quan hệ hai nước cũng bị cản trở do nhiều đề nghị đòi bồi thường của các công ty Mỹ sau khi các khoản đầu tư của họ tại Nga bị quốc hữu hóa.[12]

Những người đứng đầu chính sách ngoại giao Mỹ kiên quyết cho rằng Liên Xô là một mối đe dọa tới những giá trị của nước Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Charles Evans Hughes từ chối việc công nhận Liên Xô, khẳng định với những người đứng đầu công đoàn rằng: "những người đang kiểm soát Moskva chưa từ bỏ ý định phá hoại các chính quyền đang tồn tại ở mọi nơi mà họ có thể trên khắp thế giới." [13] Bộ trưởng Ngoại giao Franck Kellogg cảnh báo rằng tổ chức quốc tế của Kremlin, "Quốc tế Cộng sản" đang ráo riết lên kế hoạch lật đổ các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, nhằm "phá hoại trật tự sẵn có".[14] Trong nội bộ Bộ Ngoại giao, tới năm 1924, Cục Phụ trách các vấn đề Đông Âu bị chi phối bởi Robert F. Kelley, một người mang tư tưởng thù địch rất mạnh mẽ với chủ nghĩa cộng sản; ông là người đào tạo ra thế hệ các chuyên gia trong đó có George Kennan và Charles Bohlen. Kelley tin rằng Kremlin đã lên kế hoạch kêu gọi công nhân khắp thế giới nổi dậy chống lại chủ nghĩa tư bản.[15]

Trong lúc đó, Anh và các quốc gia châu Âu khác nối lại quan hệ với Moskva, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, mặc dù các nước này vẫn nghi ngờ về một cuộc lật đổ của những người cộng sản và tức giận trước việc Kremlin từ chối trả các khoản nợ trước đó. Bên ngoài Washington, một số người Mỹ ủng hộ nối lại các mối quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.[16] Henry Ford, người cho rằng thương mại quốc tế là cách tốt nhất để tránh các cuộc giao tranh, đã sử dụng thương hiệu Ford của mình để xây dựng một ngành công nghiệp xe tải giới thiệu những chiếc máy kéo tại Nga. Kiến trúc sư Albert Kahn trở thành người tư vấn cho tất cả các công trình xây dựng công nghiệp tại Liên Xô năm 1930.[17] Một vài trí thức cảnh tả cũng thể hiện sự quan tâm của mình. Sau năm 1930, một số nhà hoạt động đã trở thành thành viên hoặc đồng tình với đường lối của Đảng Cộng sản tại Hoa Kỳ, và kêu gọi ủng hộ Liên Xô. Các tổ chức công đoàn tại Mỹ chia làm hai nhóm: trong khi Liên đoàn Lao động Mỹ (American Federation of Labor - AFL) trở thành một thành trì chống cộng, thì các thành phần cánh tả vào cuối thập niên 1930 đã thành lập Liên hiệp các Tổ chức Công nghiệp (Congress of Industrial Organizations - CIO). Những người cộng sản đã đóng vai trò quan trọng trong CIO cho tới khi tất cả họ bị thanh trừng trong khoảng thời gian 1946-47, và các tổ chức lao động về sau đi theo quan điểm chống Xô viết mạnh mẽ.[18]

Công nhận năm 1933

Maxim Litvinov, Ngoại trưởng Xô viết (1930–1939) và Đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ (1941–1943)

Tới năm 1933, những nỗi sợ cũ về mối đe dọa cộng sản đã tan dần, và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, cùng với báo chí, đã kêu gọi công nhận ngoại giao với Liên Xô. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được giao thương quy mô lớn với Liên Xô. Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn được nhận lại đôi chút từ những khoản cho vay cũ thời Sa hoàng, và cam kết không hỗ trợ cho các phong trào lật đổ trong nước. Tổng thống Franklin D. Roosevelt là người mở đầu, với sự hỗ trợ từ người bạn thân của mình, cố vấn Henry Morgenthau, Jr. và chuyên gia về Nga William Bullitt, bỏ qua Bộ Ngoại giao.[19][20] Roosevelt thực hiện một cuộc khảo sát ý kiến công chúng, khi đó được tiến hành bằng cách hỏi 1100 biên tập viên báo chí; 63% ủng hộ việc công nhận Liên Xô và 27% phản đối. Roosevelt gặp riêng với các nhà lãnh đạo Công giáo để thuyết phục họ. Ông mời Ngoại trưởng Maxim Litvinov tới Washington để tham dự một loạt các cuộc họp cấp cao vào tháng 11 năm 1933. Ông và Roosevelt đồng thuận về các vấn đề tự do tôn giáo cho người Mỹ làm việc tại Liên Xô. Phía Liên Xô cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, và đảm bảo không có tổ chức nào tại Liên Xô đang hoạt động nhằm phá hoại Hoa Kỳ hay lật đổ chính quyền Hoa Kỳ. Cả hai bên đồng ý hoãn vấn đề nợ sang một thời điểm khác. Roosevelt sau đó công bố một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ trở lại.[21][22] Bước đi này nhận được một vài phản hồi tiêu cực.[23]

Tuy vậy, vấn đề nợ cũ không có tiến triển, và ít có những sự trao đổi bổ sung. Hai nhà sử học Justus D. Doenecke và Mark A. Stoler cho rằng: "Hai quốc gia sớm vỡ mộng về thỏa thuận đạt được."[24] Nhiều doanh nhân Mỹ mong đợi nhiều hơn về vấn đề thương mại quy mô lớn, nhưng điều này đã không được thực hiện.[25]

Roosevelt bổ nhiệm William Bullitt làm đại sứ từ 1933 tới 1936. Bullitt tới Moskva với những tham vọng lớn cho quan hệ Xô–Mỹ, nhưng quan điểm của ông với sự lãnh đạo của chính quyền Xô viết trở nên xấu đi. Tới cuối nhiệm kỳ của mình, Bullitt công khai thể hiện thái độ thù địch với chính quyền Xô viết. Ông trở thành một nhà chống cộng đầy thẳng thắn trong suốt quãng đời còn lại.[26][27]

Tập tin:Map US Lend Lease shipments to USSR-WW2.jpgThương vong quân sự trong Thế chiến II ở châu Âu và châu Á theo khu vực, năm

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quan_hệ_Hoa_Kỳ_–_Liên_Xô http://www.britannica.com/EBchecked/topic/616563/U... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.o5m6.de/Routes.html http://www.presidency.ucsb.edu/ws/index.php?pid=44... http://slantchev.ucsd.edu/courses/nss/lectures/det... http://onlinebooks.library.upenn.edu/webbin/serial... http://www.vmi.edu/uploadedFiles/Archives/Adams_Ce... http://www.history.army.mil/books/AMH-V2/PDF/Chapt... http://www.history.army.mil/books/wwii/persian/ http://www.dtic.mil/get-tr-doc/pdf?AD=ADA539665